Trịnh Lữ Ghi Chép
Cuốn sách chọn lọc những ghi và chép về Đời và về Nghệ thuật. Chuyện đời là về những người đã gặp, những chốn đã qua, những sự đã trải. Nhỏ to giản dị, mà cũng khiến bản thân tác giả thấy vỡ ra nhiều điều hay lẽ phải, gợi được những điều đáng nghĩ. Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa, âm nhạc thì phần nhiều là những suy nghĩ và những bài học tâm đắc cóp nhặt được từ việc vẽ, dịch, viết của chính mình, cũng như từ sách vở của thiên hạ.
Trích đoạn:
- Số phận nào cũng là do mình tự chọn, và chẳng có gì hơn được thế.
- Có những xa cách vô lý chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình, dù ngoại cảnh có thế nào đi nữa. Khi đã thật lòng như thế, thì gặp duyên hội ngộ lại thành một diễm phúc lạ lùng.
- Người quân tử không gặp cái thời của mình thì đức trời tài biển cũng bỏ đi mà thôi. Nhưng mà ai tạo ra thời? Có phải cũng là người hay chăng?
- Người Trẻ đáng được kính trọng, vì chúng là tình yêu, là nguồn sáng tạo, là tương lai, là sức mạnh, là những gì đẹp đẽ hồn nhiên nhất. Còn người Già, chao ôi, chẳng phải tuổi già chỉ thèm được quấn quýt yêu chiều đó hay sao?
- Thật ra, đời chỉ là những mẩu chuyện tản mạn tưởng chừng ngẫu nhiên. Đọc chúng với thái độ nào thì đời thành ra thế mà thôi.
- Năm tháng sẽ cứ qua đi, con người cứ thay nhau sống ở trước mặt. Phải chăng muôn vàn lao khổ cũng chỉ vì con người đã nhận lầm bản thân mình, chỉ muốn tìm mình, giải thoát mình... mà quên rằng mình chỉ là một phần của thế giới đã sẵn có giải thoát và tự do tự ngàn triệu năm rồi.
- Mọi tranh luận về nghệ thuật, suy cho cùng, chỉ là do khác nhau về cái mà tiếng ta gọi là “thị hiếu”. Mà tự diễn đạt không thôi thì không phải là nghệ thuật.
- Những ý tưởng về cái đẹp, hãy nhớ lấy điều này, là những chủ đề của đạo lý, không phải của nhận thức trí tuệ. Tìm hiểu những ý tưởng về cái đẹp, chúng ta sẽ thấy được những chủ đề lý tưởng của nghệ thuật hội họa.
- Xã hội nhỏ yếu thừa hưởng những vấn đề và noi theo các giá trị của xã hội lớn mạnh là chuyện bình thường. Còn thừa hưởng và noi theo như thế nào và như thế có phải là số phận hay không thì lại là chuyện khác. Nhất là trong nghệ thuật.
- Vẽ gì thì cũng là tự hoạ. Tâm trạng người vẽ thế nào thì nhìn ra loại dung mạo thế nấy. Mình vẫn tin rằng có yêu đời, yêu người, có con mắt và tấm lòng hướng thiện thì sẽ nhìn thấy dung mạo đẹp đẽ tử tế ở tất cả mọi người. Người xưa coi trọng việc vẽ tranh chân dung là vì vậy.
- Chao ôi, phải chi mỗi người chúng ta đều có thể tự do và trung thực trong lời nói, dù là ở công đường hay trong gia đình, rồi lại có mong mỏi nuôi dưỡng tâm trí, tình cảm, ý chí và ý thức về giá trị của bản thân, tức là nuôi dưỡng linh hồn mình, thì chắc chắn là chúng ta sẽ thấy cái gia tài tiếng nói được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ sẽ trở thành mộc mạc, chân xác và đẹp đẽ biết nhường nào.
- Tôi đã không nỡ lấy sen làm motif, làm cái cớ, để vẽ những riêng tư phần lớn là những khao khát hoang tưởng hoặc thắc mắc của mình. Tôi vẽ sen chỉ để ghi lại tình yêu sen đã có từ thủa bé nhờ những bức tranh của mẹ, của cha. Và để tự nhủ rằng cuộc đời luôn đẹp đẽ an lạc nếu mình nhìn ra chúng.
- Ta không nhớ sách giỏi, biện luận hay, ta chỉ cảm thấy hình như ngươi không muốn tự ý thức về cái bất lực của mình trong chuyện hòa đồng và ghi dấu ấn vào thế giới này. Ngươi thiếu một sức mạnh bản tâm, một ánh sáng dẫn nẻo không bao giờ tắt dù cho ngươi có trải thăng trầm lạc nẻo đến đâu, rồi ngươi vẫn tự tin vào mình và tự tìm về cái gốc đã mọc ra cuộc đời mình. Ngươi rơi từ vòng từ lực của hết hòn nam châm này đến hòn nam châm kia, mà không biết. Trước kia ngươi nói với ta: “Chỉ có người nào biết yêu một công việc cụ thể, biết can đảm để theo đuổi nó tới hết mình, mới có thể là một người chính trực.” Nhưng nay ngươi lại thấy đó là một trò ngốc. Ngươi đã uống phải cặn bã của một nền văn minh bế tắc Tây Âu qua những cuốn sách dịch. Ngươi đã thử hít thở cái khí loạn của đô thành Sài Gòn vừa rồi, và con người mà Hesse gọi là “con sói đồng hoang” đã trỗi dậy ở trong ngươi, và trong giây lát, ngươi hồ hởi chấp nhận đó là bản tâm của mình. Nhưng thôi, điều đó chẳng hại gì, hãy sống, hãy trung thực, con người tuổi trẻ chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được cuộc đời đâu.
- Chỉ có những khi ta được nhìn một bức tranh đẹp, một hiển hiện của sự hòa đồng giản dị và tĩnh khiết giữa con người và tạo vật, ta mới có thể lại sực nhớ ra, cảm thấy được tràn ngập thân ta một thứ ân điển bí mật không lời nào tả xiết, và tự nhiên ta càng thấy thương ngươi hơn, thấy mình thầm cầu nguyện cho ngươi được yên bình và gần gụi với cái tâm đích thực của ngươi.
- Ôi! Năm tháng sẽ cứ qua đi, con người cứ thay nhau sống ở trước mặt. Phải chăng muôn vàn lao khổ cũng chỉ vì con người đã nhận lầm bản thân mình, chỉ muốn tìm mình, giải thoát mình... mà quên rằng mình chỉ là một phần của thế giới đã sẵn có giải thoát và tự do tự ngàn triệu năm rồi.
Về tác giả:
Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội) thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang, năm 1993 ông được tờtrao giải "Nghệ sĩ của năm" với cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Ithaca – New York khi đang theo học ở Cornell. Sau đó, Trịnh Lữ có thêm các cuộc triển lãm cá nhân vào năm 1994 tại Ithaca, NewYork, Mỹ; năm 2015 tại Hà Nội, Việt Nam và năm 2017 tại Shorewood, WI, Mỹ. Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật. Lớn lên trong môi trường ấy, hầu như các anh chị em của Trịnh Lữ đều phát triển thiên hướng nghệ thuật.
Trong những năm tháng xa xứ, với việc sáng lập Vietnam Opportunities - tờ tin đầu tiên của một cá nhân Việt Nam tại Mỹ, Trịnh Lữ được nhìn nhận như người khai phá, mở đường đưa Việt Nam đến Mỹ từ góc độ báo chí. Tờ báo ra mỗi tháng 2 số, mỗi số 16 trang, từ 1995 đến cuối 1996 thì dừng lại khi quan hệ Việt - Mỹ tiến triển.
Đánh giá & bình luận