1. Tinh Hoa Văn Học Việt Nam - Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng
Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay tới một nhà văn tài hoa nhưng bạc mệnh. Có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, ông sáng tác từ rất sớm và thử nghiệm mình trên nhiều thể loại: viết báo, viết kịch, sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phê bình văn học… Nhưng có thể nói, tiểu thuyết và phóng sự là hai thể loại thành công nhất của nhà văn tài hoa này. Vũ Trọng Phụng được báo giới thời bấy giờ mệnh danh là 'ông vua phóng sự đất Bắc', là 'nhà tiểu thuyết trác việt'. Với giọng văn sắc sảo, mang đậm chất châm biếm, trào phúng và nội dung tư tưởng sâu sắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới chủ đề hiện thực, tố cáo và vạch trần xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8 - một xã hội bê bối với những tấn trò đời bi kịch. Đọc những trang văn của ông, người ta không khỏi ngậm ngùi, chua chát. Ra đi vì bệnh tật khi mới 27 tuổi đời, khi tài năng đang độ phát triển rực rỡ, Vũ Trọng Phụng để lại trong làng văn và trong lòng độc giả một chỗ trống không dễ gì khỏa lấp.
2. Tinh Hoa Văn Học Việt Nam - Truyện Ngắn Nam Cao Tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao thực sự là người bạn lý tưởng cho những độc giả yêu thích văn học, và nhất là những tác phẩm văn học trong nước thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Những tác phẩm đặc sắc của nhà văn phần lớn được viết trước chiến tranh với đề tài chủ yếu là cuộc sống khổ đau của dân quê dưới bao tầng áp bức bóc lột, với những hủ tục của một thời mà người nông dân nghèo chỉ biết bám víu vào những hư vị hão trong thôn đảng cùng những thói tật của họ như các truyện Chí Phèo, Lão Hạc, Nghèo, Một đám cưới, Mua danh, Trẻ con không được ăn thịt chó,… Đó còn là cuộc sống quẩn quanh tẻ nhạt, nghèo khó, bế tắc của tầng lớp trí thức tiểu tư sản như trong Đời thừa, Giăng sáng, Quên điều độ…
Truyện ngắn Nam Cao có tính nghệ thuật cao trong kết cấu và ngôn từ. Nhiều truyện, nhiều nhân vật ông xây dựng đã đạt đến tính điển hình. Với Nam Cao, ta có thể nói như với Edgar Allan Poe, truyện ngắn đã thành hình và có quy luật riêng của nó.
3. Tinh Hoa Văn Học Việt Nam - Truyện Ngắn Thạch Lam Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, bắt đầu hoạt động vǎn học từ 1936, là thành viên của Tự lực vǎn đoàn. Trong quãng đời vǎn chưa đầy mười nǎm, Thạch Lam đã cho xuất bản ba tập truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942); một tiểu thuyết: Ngày mới (1939); một tập ký: Hà Nội 36 phố phường (1943); và một tập tuyển luyện: Theo dòng (1941). Nhân vật trong các tác phẩm của Thạch Lam đều có cảnh ngộ, có tâm trạng và tính cách điển hình. Ngòi bút Thạch Lam tinh tế và trân trọng biết bao trước số phận người phụ nữ và trẻ em, nếu không thuộc lớp dưới đáy thì cũng là người ở cảnh bần hàn, hoặc đang rơi vào cảnh bần hàn, như trong Cô hàng xén, Hai đứa trẻ, Tối ba mươi. Bên cạnh thế giới phụ nữ và trẻ em, còn phải kể đến những ông chủ gia đình - những ông bố là đồ nho thất thế, lạc lõng, không vui với thời cuộc, sống vào sự tần tảo của vợ con, không dám quyết bất cứ điều gì, suốt ngày ngồi bên cái ống điếu, ra dáng nghĩ ngợi, nhưng thật ra là không nghĩ gì (Cô hàng xén, Hai lần chết, Ngày mới). Thạch Lam có lối vǎn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi được thật là rành rõ những trạng trái của sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn; chữ dùng không to tát, cấu trúc không gấp gáp, vội vàng, chỉ cần đủ cho phô diễm và ôm sát những cảnh ngộ hoặc tâm trạng cần phô diễn. Thạch Lam là "nhà văn thiên về cảm giác" hay nói cách khác ông thuộc trường phái lãng mạn. Nhưng những tác phẩm của Thạch Lam đi theo quan điểm "nghệ thuật vị nhăn sinh". Bởi vậy nhà thơ Thế Lữ trong bài viết "Tính cách tạo tác của Thạch Lam" đăng trên báo Thanh Nghị số 39 ra ngày 16 - 06 - 1943 đã nhận xét rằng, Thạch Lam là người "sống hết cả từng ý văn, từng câu văn anh viết trên giấy. Sự thực của tâm hồn mà Thạch Lam diễn tả trong lời của văn chương phức tạp nhiều hình nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhăn hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương.
Đánh giá & bình luận