Từ điển bách khoa và bách khoa toàn thư là loại sách giới thiệu tri thức của các ngành văn hoá, khoa học - kỹ thuật dựa vào các công trình đã được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá. Từ điển bách khoa và bách khoa toàn thư phản ánh trình độ phát triển văn hoá, khoa học của dân tộc và thế giới trong từng thời kì lịch sử; là loại sách có tác dụng nâng cao trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật cho mọi người, sách để tra cứu, học tập, giảng dạy. Các nước văn minh trên thế giới đều đã có những bộ từ điển bách khoa và bách khoa toàn thư lớn.
Ở Việt Nam, việc biên soạn từ điển bách khoa là một nhu cầu bức thiết. Qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam là một nước văn hiến. Suốt lịch sử lâu dài, dân tộc ta đã sáng tạo ra nền văn hoá, văn minh với bản sắc của riêng mình. Những giá trị văn hoá và tinh thần to lớn và quý báu của dân tộc cần được tổng hợp biên soạn thành sách bách khoa để phổ biến cho nhân dân ta và giới thiệu với nhân dân thế giới. Đồng thời cần tiếp nhận tri thức của nhân loại để vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước. Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ xúc tiến việc biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (Nghị quyết số 37 NQ/TƯ ngày 20.4.1981). Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (số 112/1998/QG - TTg) thay cho Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam thành lập theo quyết định số 163a/CT ngày 15.5.1987, để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nội dung biên soạn và xuất bản các loại bách khoa toàn thư và từ điển bách khoa.
“Từ điển bách khoa Việt Nam” được biên soạn lần đầu ở Việt Nam là bộ từ điển bách khoa tổng hợp nhiều chuyên ngành, cỡ trung bình, có tính chất thông dụng, dùng cho đông đảo bạn đọc, chủ yếu cho những người có trình độ trung học trở lên. Từ điển có mục đích giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hoá, khoa học, công nghệ Việt Nam xưa và nay; giới thiệu những tri thức văn hoá, khoa học - kỹ thuật của thế giới, chú ý những tri thức cần cho độc giả Việt Nam. Những tri thức đó góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Phương châm biên soạn “Từ điển bách khoa Việt Nam” là khoa học, cơ bản, hiện đại, dân tộc. Các tri thức được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, bằng ngôn ngữ trong sáng.
Bộ “Từ gồm 4 tập, bao gồm khoảng 4 vạn mục từ thuộc 40 chuyên ngành văn hoá, khoa học - kỹ thuật của Việt Nam và trên thế giới. Mỗi tập khoảng trên dưới một vạn mục từ.
Nhận thức được trách nhiệm lớn lao trước yêu cầu quan trọng của sự nghiệp xây dựng đất nước, giới trí thức Việt Nam thuộc nhiều thế hệ với lực lượng trên 1.200 nhà khoa học đã nhiệt tình tham gia biên soạn từ điển bách khoa, vượt qua nhiều khó khăn hạn chế vể điều kiện vật chất và kỹ thuật, về chuyên môn nghiệp vụ để đem tri thức đã tích luỹ được đóng góp vào sự nghiệp chung. Tập 1, tập 2, tập 3 và tập 4 đã được xuất bản vào những năm 1995, 2002, 2003 và 2005, tuy còn những thiếu sót cần được bổ sung, đính chính khi tái bản nhưng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đông đảo bạn đọc.
Tập 1 xuất bản năm 1995 đến nay đã gần 12 năm. Nhiều mục từ phần lớn thuộc các chuyên ngành địa lí, tổ chức, kinh tế, chính trị cần được bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu bạn đọc trong tình hình phát triển hiện nay của Việt Nam và thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng, Ban Biên soạn Từ điển bách khoa đã tổ chức tái bản tập 1 với nguyên tắc đảm bảo tính cân đối, tính thống nhất của bộ từ điển bốn tập và dựa trên những ý kiến đóng góp của đông đảo bạn đọc đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với việc tái bản tập 1, bạn đọc sẽ có một bộ “Từ điển bách khoa Việt Nam” bốn tập hoàn chỉnh, kèm theo tập sách dẫn (Index) và bộ đĩa điện tử (CD – ROM) của trọn bộ bốn tập “Từ điển bách khoa Việt Nam” để phục vụ cho việc tra cứu, học tập hằng ngày.
Trong quá trình biên soạn, một số nhà khoa học đã qua đời, một số khác vì sức khoẻ, vì thuyên chuyển công tác, không có điều kiện tiếp tục tham gia, một số trường hợp phải bổ sung, thay đổi nhân sự. Trân trọng và biết ơn kết quả lao động , sự đóng góp của các nhà khoa học, chúng tôi giữ nguyên danh sách thành viên Hội đồng, Ban Biên soạn, trường hợp thay đổi chúng tôi ghi rõ thời gian của từng người.
“Từ điển bách khoa Việt Nam” có thể coi là một công trình văn hoá khoa học lớn của Việt Nam hiện nay. Thành phần này gắn liền với sự quan tâm của Bộ Chính trị, với công lao đặt nền móng đầu tiên của cố chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự đóng góp nhiệt tình của các cơ quan, các tổ chức và các nhà khoa học hoạt động trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau.
Nhân dịp hoàn toàn công trình này, Ban Biên soạn “Từ điển bách khoa Việt Nam” bày tỏ lời cảm ơn sự giúp đỡ của NXB Bách khoa toàn thư Nga, NXB Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc và bạn bè quốc tế.
“Từ điển bách khoa Việt Nam” có vinh dự là đứa con đầu lòng của nền bách khoa toàn thư hiện đại Việt Nam, nhưng cũng vì là công trình đầu tiên trên lĩnh vực này nên công việc biên soạn gặp không ít khó khăn về mặt khách quan cũng như chủ quan. Đây là bộ từ điển bách khoa của nhiều chuyên ngành biên soạn khi các chuyên ngành hầu như chưa có từ điển hay chưa có sự thống nhất và chuẩn hoá mang tính quốc gia. Ban biên soạn và các nhà khoa học tham gia với nhiệt tình và trách nhiệm cao, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệp tổ chức và biên soạn bách khoa toàn thư hiện đại, một nền khoa học mới hình thành ở Việt Nam. Về mặt tổ chức và chỉ đạo, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, chủ yếu là Ban thường trực Hội đồng và Ban Biên soạn cũng có thiếu sót và hạn chế.
Do những khó khăn và hạn chế trên, “Từ điển bách khoa Việt Nam” không tránh khỏi sai sot. Ban Biên soạn rất mong được sự thông cảm và đóng góp ý kiến của bạn đọc để khắc phục và nâng cao chất lượng trong những lần tái bản.
Đánh giá & bình luận