Trong suốt chặng đường 95 năm qua, từ sự ra đời của báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo (21/6/1925 - 21/6/2020), báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về đội ngũ, loại hình, số lượng, phạm vi ảnh hưởng và chất lượng nội dung, hình thức. Tính đến đầu năm 2020, cả nước đã có hơn 850 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 5 kênh truyền hình của cơ quan báo chí; 23 cơ quan báo chí điện tử và hàng trăm trang thông tin điện tử tổng hợp… Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng nội dung báo chí cũng không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thông tin nhanh chóng, chính xác, đa dạng, phong phú; đội ngũ những người làm báo được đào tạo bài bản hơn về chính trị, chuyên môn, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp; các cơ quan báo chí thích nghi và đứng vững trong cơ chế thị trường, lớn mạnh cả về hoạt động kinh tế báo chí; thể chế, chính sách về báo chí được hoàn thiện những bước cơ bản; hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại được tăng cường. Báo chí nước ta thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; là tiếng nói của nhân dân; tuyên truyền phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với bên ngoài. Để có được nỗ lực và thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam 95 năm qua, nhất là hơn 35 năm đổi mới và phát triển, trước hết là có sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước; của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương; của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và các cơ quan chủ quản báo chí; của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí; sự đóng góp quan trọng của công chúng báo chí ngày càng đông đảo. Để giúp các cơ quan báo chí, nhà báo, nhà nghiên cứu và bạn đọc có được góc nhìn rộng, đầy đủ và sâu sắc về bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam 95 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. Ông là nhà báo, nhà văn có gần 40 năm cầm bút, trải qua các cương vị phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo Đài PTTH Nghệ An, Báo Nghệ An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Vụ trưởng vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Thực tiễn hoạt động 40 năm qua đã giúp tác giả cuốn sách có tầm nhìn, góc nhìn rộng, sâu, biện chứng; lý luận và thực tiễn luôn gắn bó, hòa quyện; nhiều hiện tượng, nhiều vấn đề của báo chí, văn hóa được ông phân tích, bình luận thấu đáo, chân tình, khách quan. Những năm gần đây, tuy công việc quản lý bận rộn nhưng PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ vẫn say sưa viết báo, nghiên cứu, giảng dạy báo chí, văn hóa, đào tạo nhiều thạc sỹ, tiến sỹ báo chí học và văn hóa học. Không chỉ tâm huyết với những vấn đề nóng hổi của báo chí, văn hóa mang hơi thở của thời cuộc, ông còn có những ghi chép xúc động về những vùng đất, những con người mà ông đã qua, đã gặp. Cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ có hai mảng nội dung hấp dẫn và bổ ích: Phần 1: “Hồ Chí Minh, Người sáng lập, Người thầy của nền Báo chí cách mạng Việt Nam”. Năm 2020, Việt Nam và thế giới kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Vì sự kiện quan trọng này, phần mở đầu cuốn sách là một số bài viết của tác giả về Bác Hồ: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí, văn hóa; Người làm báo, viết báo; người căn dặn, mong muốn xây dựng nền báo chí nước nhà vững mạnh, cán bộ báo chí là những chiến sỹ gương mẫu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; giới báo chí Việt Nam học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phần 2: “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tác giả phác họa bức tranh toàn cảnh nền báo chí, truyền thông nước nhà, nhất là việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược, chính sách, cơ chế phát triển báo chí; một số vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí; báo chí trong kỷ nguyên số, đa loại hình, đa nền tảng; báo chí Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thông tin đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những cuộc trả lời phỏng vấn thú vị về chuyện nghề, chuyện đời. Cũng ở phần này, tác giả nêu những góc nhìn, những lý giải về báo chí - văn hóa. Đó là những ghi chép, nghĩ suy về con người, vùng đất, sự kiện, vấn đề mà tác giả trải nghiệm dưới góc nhìn báo chí - văn hóa học. Đó là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người khởi xướng “Những việc cần làm ngay” của báo chí nước ta “đêm trước” Đổi mới; nhà cách mạng, nhà báo xuất sắc Phan Đăng Lưu; là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo, viết văn, viết kịch của tác giả.
Đánh giá & bình luận