Trường Sơn Tây Nguyên là vùng lãnh thổ rộng lớn gồm miền núi các tỉnh ven biển Trung Bộ từ Hà Tĩnh vào Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Nơi đây cư trú trên 20 dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ nhân của nhiều giá trị văn hóa nổi tiếng, giàu truyền thống cách mạng, nhưng kinh tế - xã hội đang chậm phát triển do đặc thù điều kiện tự nhiên và dân cư, cần được nghiên cứu tìm ra những hình thức, bước đi và giải pháp chính sách phù hợp để có thể phát triển hiệu quả và bền vững.
Cuốn sách Góp phần nghiên cứu phát triển bền vững các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên của PGS TS Bùi Minh Đạo do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2020 phần nào đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi đặt ra nói trên.
Cuốn sách có dung lượng 958 trang, chia thành 5 phần. Bốn phần đầu có tiêu đề Một số vấn đề chung, Một số vấn đề kinh tế và sinh kế, Một số vấn đề xã hội, Một số vấn đề văn hóa, là tập hợp và tuyển chọn trên 50 bài viết đã công bố và chưa công bố, có thể coi là lát cắt dọc lịch đại các nghiên cứu của tác giả về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Người đọc có thể nhận diện bức tranh đa màu và đặc thù về đời sống mọi mặt của các tộc người tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên, không chỉ truyền thống mà còn biến đổi dưới tác động của các điều kiện mới. Dễ nhận thấy là trong bức tranh đa màu và đặc thù đó, có những bài viết hé mở một số vấn đề nổi cộm, bức xúc trong phát triển bền vững các tộc người hiện nay, làm tiền đề cho việc công bố nhiều sách chuyên khảo do tác giả biên soạn hoặc chủ biên từ năm 2000 đến nay. Phần năm là tổng luận mang tính tổng kết khoa học của tác giả, một nghiên cứu theo lát cắt ngang đồng đại và đương đại, trong đó chưng cất, chắt lọc nội dung các sách, bài viết đã có kết hợp với tài liệu mới để trình bày nhận thức cập nhật về thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp, kiến nghị cho phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường các tộc người vùng Trường Sơn Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở phác họa thực trang đời sống, phần viết nhận diện và phân tích một số vấn đề vùa cơ bản vừa cấp bách, vừa bức xúc vừa nổi cộm đặt ra hiện nay như chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, phương thức và kỹ thuật sản xuất, xóa đói giảm nghèo, lâm nghiệp xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, tác động của tái định cư thủy điện, quan hệ dân tộc và tôn giáo, các xã biên giới chậm phát triển, văn hóa truyền thống mai một mất mát, khủng hoảng môi trường tộc người do suy giảm tài nguyên rừng, đất, nước, biến dổi khí hậu và tác động của thiên tai...
Đóng góp mới của cuốn sách tập trung ở phần 5, trong đó, dưới giác độ dân tộc học/nhân học, trên cơ sở thực trạng và những vấn đề đặt ra, đề xuất những kiến nghị, giải pháp cho phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường các dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên. Những kiến nghị, giải pháp cho từng vấn đề ở mỗi lĩnh vực đều trên cơ sở khoa học, thực chứng. Một số giải pháp đã đi vào cuộc sống, thiết thực góp phần xây dựng chính sách phát triển bền vững các tộc người tại chỗ vùng Trường Sơn Tây Nguyên.
Đây là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có giá trị và đóng góp khoa học, thực tiễn cao, bởi nội dung sách là kết quả xử lý và phân tích nguồn tài liệu thực địa phong phú, phản ánh quá trình cảm nhận và tri nhận lâu dài, bằng cái đầu lạnh và trái tim nóng của tác giả về vùng đất và con người các tộc người vốn có nhiều đặc thù và thách thức trong phát triển mà tác giả đã dành cả đời khảo sát và nghiên cứu. Cuốn sách là tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích cho những ai nghiên cứu về phát triển bền vững các tộc người thiểu số vủng Trường Sơn Tây Nguyên nói riêng và về phát triển bền vững các tộc người thiểu số ở Việt Nam nói chung.
Nhà xuất bản Khoa học xã hội trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!
Đánh giá & bình luận