Tác giả Ngô Di Lân giao lưu ra mắt tác phẩm 1% mỗi ngày tại Tp.HCM ngày 23/7/2022
17.11.2022
Trong ảnh: Tác giả Ngô Di Lân và cuốn sách "1% mỗi ngày"
Ngô Di Lân tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan) - một trường đại học theo mô hình giáo dục khai phóng. Những chiêm nghiệm và trăn trở trong quá trình trưởng thành, những bước hoàn thiện bản thân là chủ đề được truyền tải trong cuốn "1% mỗi ngày".
Trong buổi giao lưu vừa qua, có một câu hỏi khá thú vị, NXB Trẻ chia sẻ cùng bạn đọc:
___Độc giả: “Chúng ta vừa nói đến giáo dục khai phóng ở bậc đại học. Tôi quan tâm đến hướng giáo dục này và muốn áp dụng trong gia đình mình. Liệu nó có thể bắt đầu sớm hơn? Và tôi có thể tạo lập cho tôi cũng như rèn cho con tư duy khai phóng như thế nào?”
___Tác giả Ngô Di Lân: “Giáo dục khai phóng cần một tầm nhìn dài hạn. Không phải kiểu đầu tư có thể thấy ngay kết quả. Bản thân tôi là người học giáo dục khai phóng, tôi có thể khẳng định, để học ra và tìm được một công việc trả lương cao ngay lập tức là rất khó. Không phải là không thể nhưng xác suất thấp hơn. Các nhà tuyển dụng, đặc biệt là các nhà tuyển dụng truyền thống, thường ưu tiên các ứng viên có chuyên ngành phù hợp hơn. Khi mình dấn thân vào con đường này, mình hãy xác định như Jeff Bezos khi xây Amazon, 10 năm đầu sẽ tạo ra rất ít lợi nhuận, nhưng sau đó sẽ bứt phá. Nếu mình sẵn sàng đầu tư dài hạn vào con người thì hãy nên nghĩ đến giáo dục khai phóng. Còn nếu vì lý do cá nhân, quan điểm, tầm nhìn, muốn trong thời gian ngắn hạn có kết quả ngay, thì giáo dục khai phóng không phải phương pháp tối ưu.
Bạn đọc giao lưu cùng tác giải tại không gian sự kiện Thư quán The Wiselands Coffee 17 Hạ Hồi, P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, TP.HN
Để khuyến khích tư duy khai phóng trong gia đình, từ rất sớm, theo tôi có 2 điểm cụ thể: Thứ nhất, khuyến khích con em trong nhà đọc thật rộng. Bạn thích đọc về vật lý, nhưng thi thoảng đọc một chút về ẩm thực, thể thao, triết học… các bạn sẽ có góc nhìn bao quát hơn, sau đấy các bạn sẽ phát hiện ra những thứ tưởng chừng không liên quan gì đến nhau thì lại có, và điểm chung thường là con người. Con người là trung tâm, và khi gặp các vấn đề rất đa dạng, bạn sẽ vẫn tìm được cách để giải quyết.Thứ hai, liên quan đến việc phản biện, mình cần sẵn sàng có những cuộc nói chuyện rất thẳng thắn với các con. Con nói con không đồng ý với việc này, thay vì phản xạ gây sức ép, thì mình hỏi lại tại sao lại không, bạn ấy phải chứng minh quan điểm của bạn ấy, chứ không phải hai bên đấu trí với nhau, hay thi gan với nhau. Hãy xem xét lý lẽ của ai mạnh hơn, có cơ sở hơn. Khi tôi có con, khi con đòi hỏi bất kỳ điều gì, tôi sẽ yêu cầu con chứng minh lý lẽ của mình, nếu không thuyết trình được thì viết. Tôi sẽ là người phản biện rất khó tính. Đứa trẻ sẽ hiểu, con không đạt được điều con muốn vì con không thuyết phục được mẹ, chứ không phải mẹ không muốn cho con. Từ đó sẽ thúc đẩy tư duy khai phóng trong gia đình.”
Tác phẩm "1% mỗi ngày" gồm các chủ đề về Kiểm soát bản thân - Khai mở tâm trí - Tôi rèn kỹ năng - Thắng không kiêu, bại không nản. Tác giả Ngô Di Lân là nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế Đại học Brandeis (Hoa Kỳ), tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan), chủ nhân Facebook fanpage Self Conquest.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC