Ðem yêu thương đến với trẻ em
16.09.2021
Trong nhiều năm qua, các hoạt động chăm lo, giúp đỡ hỗ trợ trẻ em, nhất là những em thiếu nhi, học sinh nghèo luôn được toàn xã hội quan tâm bằng những chương trình và hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngay trong những ngày này, khi mà Tết Trung thu của các em đã và đang diễn ra, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, mang đến cho trẻ em những tình cảm yêu thương, đầm ấm.


Tổ chức Tết Trung thu và phát quà cho học sinh vùng lũ ở xã biên giới Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Dưới ánh trăng rằm miền biên giới, chúng tôi may mắn được cùng hơn 700 thiếu niên, nhi đồng là học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú liên cấp xã Lũng Táo, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang hòa mình vào những trò chơi dân gian, cùng phá cỗ. Ðêm hội Trung thu “Chắp cánh ước mơ” tại xã Lũng Táo do Tỉnh đoàn Hà Giang, Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT tổ chức. Nhờ có các đơn vị tài trợ đứng ra tổ chức, Tết Trung thu năm nay đối với thiếu niên, nhi đồng xã Lũng Táo vui và ý nghĩa hơn. Em Dinh Thị Máy, lớp 6A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú liên cấp xã Lũng Táo nói: “Trước kia, khi còn học tại các điểm trường lẻ, chúng em cũng được các thầy giáo, cô giáo tặng quà, phá cỗ, nhưng không được tham gia nhiều hoạt động như năm nay”.

Dù ở địa bàn xã vùng cao khó khăn, nhưng hằng năm, chính quyền địa phương và nhà trường đều tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu niên, nhi đồng với nhiều hoạt động, như: Thi văn nghệ; thi khéo tay làm đèn ông sao; chơi các trò chơi dân gian; vui rước đèn, phá cỗ. Gia đình học sinh đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên các trường đều huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Ngoài tổ chức đêm hội Trung thu tại xã Lũng Táo, chương trình “Chắp cánh ước mơ” còn có nhiều hoạt động hỗ trợ trẻ em vùng cao như: tặng 50 đầu sách cho tất cả các trường thuộc huyện Ðồng Văn; tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú liên cấp huyện Ðồng Văn; thăm tặng quà học sinh nghèo vượt khó; tặng sân chơi cho các trường. Tổng giá trị hoạt động tình nguyện vì trẻ em vùng cao Ðồng Văn lên đến 900 triệu đồng.

Với đặc thù phần lớn thiếu niên, nhi đồng ở vùng cao đều ăn, ở bán trú cho nên các hoạt động trong dịp Tết Trung thu đều do các trường đứng ra tổ chức. Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng Ðội tỉnh Hà Giang cho biết, trước năm 2010, Tết Trung thu ở các trường vùng cao không đủ đầy như hiện nay, nguyên nhân là việc đóng góp của phụ huynh học sinh, nguồn lực của chính quyền địa phương, các trường còn hạn chế. Từ năm 2011, Tỉnh đoàn Hà Giang thực hiện chương trình “Tết Trung thu cho thiếu nhi nghèo vùng cao”. Chương trình này thực hiện thông qua công tác vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ tài trợ cho trẻ em vùng cao đón Tết Trung thu. Từ chương trình này, việc hỗ trợ, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng vùng cao Hà Giang đã lan rộng và trở thành việc làm thường xuyên của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Ðối với các xã đặc biệt khó khăn, tỉnh Hà Giang và các huyện phân công ít nhất một cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh và huyện “đỡ đầu”. Ngoài tham mưu, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị còn trực tiếp tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Riêng dịp Tết Trung thu, các cơ quan cử lực lượng đoàn viên, thanh niên phối hợp các trường tổ chức đêm hội trăng rằm cho thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó là vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tài trợ. Nhiều năm nay, một đoàn từ thiện ở Hà Nội thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao. Năm nào đoàn cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới, Tết Trung thu, hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm trường các huyện vùng cao Hà Giang. Ðầu tháng 9 năm nay, đoàn tổ chức Tết Trung thu sớm cho học sinh trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở xã Tát Ngà và điểm trường mầm non thôn Nà Pù, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc; trao bàn ghế, thiết bị, đồ chơi, tủ nấu cơm tặng các trường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, từ ngày khai giảng năm học 2018 - 2019 đến Tết Trung thu, đã có hơn 200 cơ quan, đoàn thể, tổ chức từ thiện tặng sách, vở, bàn, ghế, đồ dùng học tập, tổ chức Tết Trung thu cho học sinh nghèo vùng cao. Từ sự quan tâm chăm lo, ủng hộ kinh phí của cộng đồng xã hội, tại các xã vùng cao ở tỉnh Hà Giang, gia đình học sinh đã không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào để tổ chức Tết Trung thu cho con em mình.

Tại tỉnh Lai Châu, không chỉ trong những ngày lễ, Tết dành riêng cho thiếu nhi mà công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng luôn được các cấp, ngành, tổ chức quan tâm. Nhiều mô hình, hoạt động, cách làm hay hướng đến trẻ em vùng khó khăn thường xuyên được tổ chức như chương trình “Em nuôi của Ðoàn”, “Mỗi ngày tiết kiệm một nghìn đồng”, “Tình nguyện mùa đông”... đã giúp cuộc sống của các em ngày càng tốt hơn. Ðiển hình như trường hợp em Mùa A Sùng, ở bản Nậm Ðắc, xã Pú Ðao, huyện Nậm Nhùn, là trẻ mồ côi, từ khi cha mẹ mất, Sùng phải sống nương tựa vào anh chị và sự đùm bọc của bà con trong bản. Cuộc sống khó khăn, dù còn rất nhỏ nhưng Sùng đã phải tự lo hầu hết công việc thường ngày.

Ba năm trở lại đây, từ phong trào “Em nuôi của Ðoàn”, Sùng đã được Chi đoàn Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu đỡ đầu. Hằng tháng, chi đoàn hỗ trợ trực tiếp cho em 200 nghìn đồng thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày. Ðồng thời, để em bớt thiệt thòi, vào các ngày lễ, Tết, năm học mới, Sùng đều được Chi đoàn quan tâm hỗ trợ gạo, muối, thực phẩm; mua quần áo, cặp sách, bánh kẹo... Ngoài ra, Chi đoàn Ðài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu còn dành riêng 20 triệu đồng lập sổ tiết kiệm cho Sùng, hỗ trợ anh chị Sùng giống dê sinh sản để có sinh kế ổn định cuộc sống.

Hiện nay ở Lai Châu, mô hình “Em nuôi của Ðoàn” đang hỗ trợ trực tiếp cho 245 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cả vùng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Theo chị Bế Thị Bằng, Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học của Tỉnh đoàn Lai Châu, mô hình “Em nuôi của Ðoàn” được Tỉnh đoàn Lai Châu phát động thực hiện ba năm nay, nhận được sự tham gia tích cực của các chi đoàn cơ sở, chi đoàn trực thuộc.

Ở các xã, phường, thị trấn, ít nhất mỗi chi đoàn đỡ đầu một cháu có hoàn cảnh khó khăn. Mức hỗ trợ bằng tiền mặt là 200 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, các đơn vị đỡ đầu còn có trách nhiệm quan tâm, chăm lo hỗ trợ các cháu trong các dịp lễ, Tết, đầu năm học mới... Hiện mô hình tiếp tục được nhân rộng trong toàn tỉnh với mục tiêu tất cả trẻ em khó khăn đều được quan tâm chăm sóc.

Ngoài mô hình “Em nuôi của Ðoàn”, còn nhiều nhóm tình nguyện, nhiều tổ chức, cá nhân hướng về trẻ em nghèo vùng khó khăn thường xuyên tổ chức thăm, khám chữa bệnh; chăm lo sân chơi, tổ chức các hoạt động Tết Trung thu, Tết thiếu nhi... cho các cháu. Công tác xã hội hóa chăm lo trẻ em nghèo vùng cao, vùng khó khăn được duy trì thường xuyên. Trong đợt mưa lũ vừa qua tại Lai Châu, hàng chục đoàn y bác sĩ, đoàn từ thiện tình nguyện đến các bản bị thiệt hại nặng nề, giúp đỡ người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ và thăm, khám chữa bệnh cho các cháu. Trong dịp Trung thu này đã có hàng chục đoàn từ thiện từ các nơi đến với các trường, các xã vùng biên, vùng khó khăn và vùng lũ, đem Trung thu đầy ý nghĩa tới các em. Ngoài ra, tất cả các huyện đoàn đều có các hoạt động cụ thể, ít nhất mỗi huyện đều tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em ở một xã khó khăn; giúp các cháu có được cái Tết Trung thu đúng nghĩa.

Tại Nghệ An, nhằm chia sẻ, động viên các cháu tại vùng lũ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tối 21-9, tại Trường tiểu học xã Mường Típ (Kỳ Sơn), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình “Trung thu về bản”. Mường Típ là xã vùng cao biên giới, cách trung tâm huyện lỵ 60 km. Do ảnh hưởng mưa lũ vừa qua, tuyến đường vào trung tâm xã Mường Típ bị hư hỏng nghiêm trọng, đi lại cực kỳ khó khăn, nhiều đoạn người dân phải cắt rừng về bản. Ðể đưa được số hàng và quà vào Mường Típ tặng các cháu, đoàn đã phải “tăng bo” nhiều đoạn bằng xe máy.

Cùng tham dự đêm hội Trung thu này còn có các cô, chú ở Hội Chữ thập đỏ quận Long Biên (TP Hà Nội), Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hưng Dũng (TP Vinh), các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Ngoài tổ chức đêm “Trung thu về bản”, đoàn đã tặng quà, động viên các em nhỏ xã Mường Típ nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung, gồm 186 ba-lô học sinh, 500 suất bánh kẹo, 227 đôi dép cùng một số thực phẩm (100 kg cá khô, 100 kg lạc, 50 kg bột mì, 500 viên lọc nước) và một bộ trống Ðội trao cho Trường tiểu học Mường Típ; trong đó thực phẩm là để dự trữ cho các em học bán trú khi bị mưa lụt chia cắt. Tổng số quà và hàng hóa trao tặng trị giá 147 triệu đồng. Ðoàn trao năm suất quà, mỗi suất gồm một triệu đồng và một chăn ấm cho năm gia đình đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 145 thùng mì tôm và 100 suất quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do lũ lụt ở xã Mường Típ. Ðây là năm thứ tư, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Tết Trung thu ngay tại bản cho các em nhỏ Kỳ Sơn.

Tết Trung thu năm nay, rất nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực và đầm ấm đã được các địa phương, bộ, ban, ngành tổ chức rộng khắp. Các thiếu nhi, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã được quan tâm ngày càng cụ thể hơn, đón nhận nhiều niềm vui hơn. Ðó là nét đẹp, là truyền thống nhân văn của cả dân tộc luôn sẵn sàng hướng về, chăm sóc, hỗ trợ và đem yêu thương đến với trẻ em - tương lai của đất nước.


Tin chọn lọc khác
Tình yêu sách được thắp lên với trạm đọc 0 đồng tại Gia lai
04.11.2022
Tình yêu sách bắt nguồn từ những đốm lửa nhỏ được thắp lên trên khắp các vùng miền. Bà Nguyễn Thị Lan 63 tuổi, trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai với tình yêu với sách đã dành dụm từng đồng tiền lẻ từ việc kinh doanh quán cafe vỉa hè của mình để lan toả văn hoá đọc tại vùng đất núi rừng Gia lai.
Câu chuyện thú vị về Albert Einstein: “câu hỏi này dễ lắm”
04.08.2022
Sau khi đề ra lý thuyết của mình. Einstein đi khắp các trường đại học ở Hoa Kỳ và giảng bài ở bất cứ nơi đâu ông đến. Ông đi với người tài xế tên là Harry, người luôn ngồi ở hàng ghế cuối, chăm chú nghe mỗi khi ông giảng bài.
Thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo bằng những tủ sách
22.01.2021
Những đầu sách được chọn lựa kỹ sẽ góp phần bổ sung thêm nhiều kiến thức giúp trẻ em vùng cao xứ Nghệ thắp sáng ước mơ, vượt lên trong cuộc sống.
Sách đối với trẻ em vùng cao có thực sự cần thiết?
27.01.2021
Như mọi người đã biết, cuộc sống của người dân vùng cao vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đơn giản như việc cơm ăn, áo mặc đã là một gánh nặng lớn trên vai những người cha, người mẹ; cộng với việc sinh đẻ không có kế hoạch cũng khiến cuộc sống của người dân vùng cao càng bấp bênh. Ngày nay, tỷ lệ học sinh biết chữ của trẻ em vùng cao đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn là một vấn đề lớn cần được xã hội quan tâm hơn nữa. Đã có rất nhiều những chương trình thiện nguyện, những chương trình tài trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, sách vở cho các em, giúp các em tiếp cận với những tri thức mới. Và sách là một trong những số đó.
10 năm lan tỏa và khuyến đọc sách hay
09.03.2021
Với nhiều góc nhìn đa chiều, sâu sắc về sách và vai trò quan trọng của sách, cũng như những thay đổi tích cực về thói quen đọc sách của người Việt trong một thập kỷ qua, lễ công bố “Giải Sách hay lần thứ X năm 2020” do Viện Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức đã mang đến nhiều thông điệp sâu sắc lan tỏa từ những cuốn sách đoạt giải năm nay.
Khuyến đọc, và một tình yêu lớn dành cho sách
09.03.2021
Sau 3 tháng phát động, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2020 đã nhận được 22.896 bài tham gia dự thi và cho thấy một tình yêu không nhỏ với việc đọc sách của các em nhỏ cũng như minh chứng cho sự thành công trong việc khuyến khích giới trẻ đọc sách.
Ðem yêu thương đến với trẻ em
09.03.2021
Trong nhiều năm qua, các hoạt động chăm lo, giúp đỡ hỗ trợ trẻ em, nhất là những em thiếu nhi, học sinh nghèo luôn được toàn xã hội quan tâm bằng những chương trình và hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngay trong những ngày này, khi mà Tết Trung thu của các em đã và đang diễn ra, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, mang đến cho trẻ em những tình cảm yêu thương, đầm ấm.
Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em vùng khó khăn
27.02.2021
Sáng 14-6 tại Hà Nội, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã tổ chức “Ngày hội đọc sách” với mục đích xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn sách cho trẻ cũng như vận động hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng đọc viết và toán.
Chương trình sách giáo khoa mới: Hỗ trợ tối đa học sinh vùng khó
02.03.2021
Sách giáo khoa là mối quan tâm hàng đầu với GV, phụ huynh và học sinh cả nước, đặc biệt các tỉnh vùng khó. Bởi đây là bộ sách mới, mỗi trường có lựa chọn khác nhau, giá sách cao hơn… đòi hỏi cung ứng sách đúng tiến độ và có biện pháp hỗ trợ để học sinh khó khăn có đủ sách đến trường.
Tin xem nhiều
Tin mới nhất