Đầu thế kỷ XX, hoạt động in ấn, xuất bản tập trung ở các nhà in trước khi các nhà xuất bản ra đời cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930. Sách do các nhà in được chính họ quảng cáo đến độc giả có nhu cầu, thông qua cửa hàng sách của nhà in, qua báo chí. Nhiều hình thức quảng cáo đa dạng đã được áp dụng để độc giả có thể xem qua sản phẩm của nhà in mà móc hầu bao mua sách. Sau đây, Book365 xin mời quý bạn cùng tìm hiểu về các hình thức quảng cáo này.
In catalogue mời mọc
Có nhà in còn in riêng cuốn sách mỏng để tự giới thiệu mặt hàng sách. Đối với những cách quảng cáo trên, có thể lấy dăm ba ví dụ để tạo sự trực quan cho độc giả được hay. Với nhà in, dù chỉ là nhà in tỉnh lẻ đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong kinh doanh của lĩnh vực in ấn.
Nhà in Lý Công Quận ở Sóc Trăng thành lập năm 1928. Năm 1938, nhà in này in cuốn sách mỏng 44 trang để quảng cáo về mình là nhà in tân thời, có thể in đủ loại thiệp, sổ sách, giấy tờ theo lối mới và đẹp, đóng được sách mạ vàng tinh xảo.
Sách Nhà in Ly Cong Quan 101 & 103 Avenue de Daigai, giới thiệu các mặt hàng của Nhà in Lý Công Quận tại Sóc Trăng. Ảnh: Đình Ba chụp file sách.
Trong cuốn sách mỏng này, các mẫu danh thiếp, thiệp, phông chữ dùng in ấn được giới thiệu và minh họa bắt mắt. Cùng đó là lợi ích của khách khi in tại đây với giá thành rẻ, máy móc, mẫu chữ nhập từ Pháp, chủ nhà in và thợ lành nghề, có tiếng từ lâu…
Tại nơi đô hội như Sài Gòn, hoạt động của Tín Đức thư xã, đơn vị in ấn, xuất bản và bán sách này là một ví dụ đại diện. Trên catalogue tháng 9/1933 dày tới 94 trang, thư xã này mời gọi ngay bìa 1:
“Cùng chư quí vị. Mỗi lần các ngài muốn in đồ như: sổ, sách chữ Tây, chữ Quốc ngữ, chữ Nho, toa thiệp, quảng cáo và mua sách học tây nam, tiểu thuyết, thơ, tuồng, truyện, Bắc, Nam, đồ văn phòng, các thứ tập, mực, giấy, viết… Xin mời lại NHÀ IN chúng tôi hết lòng tiếp rước, và tính GIÁ RẺ, IN ĐỒ RẤT MAU”.
Phần nội dung còn lại của catalogue giới thiệu hàng trăm cuốn sách bán tại thư xã như Sóng tình của Cẩm Vân nữ sĩ, Minh tâm bửu giám của Dương Mạnh Huy dịch, Tôi học tiếng Tây một mình của Trần Văn Mẫn… Kèm theo đó là những mẫu chữ in, hoa văn, họa tiết, mẫu thiệp Tín Đức thư xã có thể thực hiện cho khách hàng.
Diễn thơ giới thiệu thâm niên
Để độc giả được tiếp cận một cách gần gũi, dễ nhớ, có nhà in còn diễn thơ giới thiệu mặt hàng mình có đến khách thập phương. Trên sách Thơ Trần Thế Mỹ do Lê Văn Tỏ dịch và xuất bản, Nhà in J. Viết, tức Nhà in Nguyễn Văn Viết in tại Sài Gòn năm 1915, ở bìa 4 của sách, nhà in này đã diễn thơ lục bát quảng cáo hàng hóa của mình tại trụ sở 59 đường d’Ormay, Sài Gòn (nay là đường Mạc Thị Bưởi thuộc quận 1). Xin được chép lại hầu độc giả nguyên văn bài quảng cáo đầy chất văn nghệ này:
Bìa 4 sách Thơ Trần Thế Mỹ của Nhà in J. Viết giới thiệu sản phẩm nhà in. Ảnh: Đình Ba chụp file sách.
“Kính lời tỏ với Lục châu,
Khui tiệm buôn bán đã ngoài mươi năm.
Nhờ ơn chư vị hảo tâm,
Gởi thơ mua bán tri âm bấy chầy.
Bán buôn từ ấy nhẩn nay,
Truyệng [truyện], thơ, sách vở cho thỉ học sanh.
Đóng sách đũ [đủ] kiểu tốt lành,
Tại kho nhà nước (Bibliothéque) ban hành chư châu.
Các nơi tham biện đâu đâu,
Gởi in sổ xuất, sổ thâu đành rành.
Cung hỉ, thiệp cưới, tân gia,
Hoa hòe bông nhánh bao quanh cúc tùng.
Lảnh [lãnh] làm con dấu mủ [mũ] thung (Timbre caoutchouc)
Dấu đồng cũng có xài dùng bền lâu.
Làm mau nhậm [nhặm] lẹ rất mầu,
Mổi mổi [mỗi mỗi] giá rẻ để hầu buôn chung.
Lục châu dạ muốn cần dùng,
Mượn mua các vật không cùng nại công.
Cúi xin chư vị quới ông,
Giúp tôi mua bán ơn đồng núi sông.
Chư ông ráng giúp đồng lân,
Cho cuộc buôn bán lần lần nở nang.
Nôm na quốc ngử [ngữ] ít hàng,
Chúc cho chư vị miêng tràng khương [miên trường khang] ninh”.
Bài thơ này còn bắt gặp ở nhiều sách khác do nhà in trên in ấn ở những năm sau. Hậu Vân Tiên diễn ca gồm hai cuốn, cuốn Nhứt in năm 1925, cuốn Hai in năm 1928, bìa 4 đều có đăng bài thơ này. Cũng Nhà in J. Viết đăng quảng cáo liên tiếp trên nhiều số Công luận báo để mời gọi khách hàng. Và đây là tin đăng trên Công luận báo số 153, ra ngày 2-8-1918.
“Nhà in và nhà sách bán Nguyển [Nguyễn] Văn Viết 59, rue d’Ormay - Saigon. Nhà in nầy lập ra đã trên 10 năm rồi, in đủ các thứ các kiểu, có lảnh [lãnh] in đồ Nhà nước và các Sở Tham Biện. - Có đóng bìa sách đủ kiểu, đã khéo lại chắc, mà giá lại rẻ. - Có in đủ các thứ thiệp, quan hôn tang tế, nhiều kiểu nhiều màu, hoa hòe rựt [rực] rỡ, mạ vàng đẹp lắm, có bán đủ Thơ, Tuồng, Truyện, Sách và đồ cho học trò học. Lục châu chư Quân tữ [tử], có cần dùng việc chi, xin hảy [hãy] đến đó thữ [thử] coi, làm đã mau mắn mà người chũ [chủ] tiệm lại chiêu hiền đải sỉ [đãi sĩ], ôn hậu khiêm hòa, thiệt đáng chổ [chỗ] cho đồng bang ta tới lui giao thiệp”.
Trụ sở Tín Đức thư xã tại số 37-38-39 đường Sabourain. Ảnh: Catalogue Septembre 1933 của Tín Đức thư xã.
Sách lên báo tự rao
Ngoài việc tự giới thiệu, còn bắt gặp cách giới thiệu uy tín khác là tác giả in sách tại đơn vị xuất bản, giới thiệu luôn cho nhà in đó, kiểu như người thực việc thực vậy. Trong tiểu thuyết Cưới vợ ăn Tết in năm 1931 tại Nhà in Đức Lưu Phương có địa chỉ ở số 158 đường Espagne, Sài Gòn (nay là đường Lê Thánh Tôn thuộc quận 1), nhà văn Sơn Vương đã giới thiệu luôn nhà in này tại bìa 4 của sách một cách trang trọng.
“Xin giới thiệu: Ông Trương Văn Tuấn, chủ nhà in Đức Lưu Phương 158 Rue d’Espagne Sàigòn là một người chơn thật, rất đáng cho chư độc giả đồng bào tin cậy. Vậy trong chư độc giả ai có lòng yêu chúng tôi, khi nào có muốn in giấy tờ sổ sách chi hảy [hãy] đến đó, chẳng nhửng [những] được ông tiếp đải [đãi] bằng một cách tữ [tử] tế, mà ông lại còn tính giá nhẹ hơn hết… ”.
Các văn thi sĩ không chỉ viết sách, mà còn cộng tác báo chí, thậm chí đứng chủ tờ báo, tạp chí nên việc giới thiệu, quảng cáo sách mới ra trên sách báo được xem là sự thường. Viết cho báo Nam Kỳ, sách mới của Trương Minh Ký được giới thiệu trên báo này. Nam Kỳ số 118, ra ngày 8/2/1900 quảng cáo sách Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa của Thế Tải Trương Minh Ký “in một bên chữ nho, một bên chữ quấc ngữ, dẫn giải từ câu từ chữ”, giới thiệu luôn nơi bán là nhà tác giả ở số 26 đường Charner, Sài Gòn (đường Kinh Lấp; nay là đường Nguyễn Huệ thuộc quận 1).
Quảng cáo sách Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa của Trương Minh Ký trên báo Nam Kỳ số 118, ra ngày 8/2/1900. Ảnh: Đình Ba chụp file báo.
Hồ Văn Trung (nhà văn Hồ Biểu Chánh) giữ chân Giám đốc Đại Việt tập chí tục bản. Trên tạp chí này số 3, ra ngày 1/11/1942 đăng mẩu tin giới thiệu tiểu thuyết giáo dục Cư Kỉnh của Hồ Biểu Chánh với lời rao đây là sách in rất mỹ thuật, có giá trị, cần thiết cho mọi gia đình, “một áng văn kiệt tác mà mọi người cần nên đọc và đừng để thiếu trong tủ sách gia đình”.
Theo Zing News
------------------------------------------------------------------
Mời quý bạn đọc tham khảo thêm nhiều sách hay với ưu đãi giảm giá từ Sàn sách trực tuyến quốc gia Book365.vn
Book365.vn - sứ mệnh góp phần phát triển văn hoá đọc, đưa sách tới mọi miền!