Nhiều năm qua, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số chưa có khởi sắc, chưa có hướng đi rõ ràng, chưa có lãnh đạo phù hợp, chưa có đóng góp cho sự phát triển của Bộ, của Ngành là lỗi ở Lãnh đạo Bộ. Để mấy chục con người không phát huy được năng lực, nhiều người bỏ đi thì thực là có lỗi lớn.
Viện của một Bộ là rất to. Thành lập ra một Viện mới lúc này trong các cơ quan Nhà nước là không dễ. Vậy chúng ta phải cố gắng để Viện phát triển lên, đóng góp cho sự phát triển của Ngành, không để cho nó chết đi.
NISCI được định nghĩa là chuyên trách cho lĩnh vực công nghiệp phần mềm (CNPM) và nội dung số (NDS). Bộ ta, ở mảng công nghệ thì có bưu chính, viễn thông, phần cứng, phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin. Có thể nói, phần mềm và nội dung số là một bộ phận quan trọng của Bộ ta về CNTT.
Theo chức năng nhiệm vụ đã ký, đối với 2 lĩnh vực CNPM và NDS thì Viện bao phủ cả chiến lược, qui hoạch, chính sách, chương trình, đề án, tiêu chuẩn kỹ thuật, đo thử, đánh giá, kiểm định, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, xúc tiến nghiên cứu khoa học, xây dựng CSDL về doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và thực hiện xúc tiến thương mại, làm sản phẩm mẫu rồi tư vấn, rồi hợp tác quốc tế,... Tóm lại là từ A-Z về CNPM và NDS.
Vậy là có mâu thuẫn với Viện Chiến lược TT&TT, là Viện nghiên cứu về chiến lược, chính sách cho các lĩnh vực của Bộ, trong đó có cả CNPM và NDS.
Chúng ta có 2 Viện. Viện Chiến lược TT&TT là Viện nghiên cứu về chiến lược, chính sách cho các lĩnh vực đã ổn định của Bộ. Viện CNPM và NDS thì nghiên cứu về các lĩnh vực mới. Thời CNTT trước đây thì cái mới là CNPM, là NDS. Còn bây giờ là công nghệ số, chuyển đổi số. Như vậy, Bộ chúng ta sẽ có một cặp đôi hoàn hảo, một Viện là về cái truyền thống, một Viện là về cái mới. Khi cái mới đã rõ thì trở thành truyền thống và sẽ chuyển giao sang cho Viện Chiến lược TT&TT. Vậy là Viện CNPM và NDS là Viện chuyên về lĩnh vực mới. Nếu như vậy thì sẽ không mâu thuẫn với Viện Chiến lược TTTT. Viện CNPM và NDS có thể đổi tên thành Viện Công nghệ số và Chuyển đổi số trong giai đoạn mới. Cái mới và cái cũ cần hai cách tiếp cận khác nhau. Phát triển bền vững thì cần cả cái cũ và cái mới.
Đối với một tổ chức thì việc đầu tiên là dẫn dắt đường hướng cho tổ chức đó. Nói gọn là làm gì (What to do?). Làm gì cho các giai đoạn, các năm. Đây là việc của người đứng đầu, Viện trưởng. Viện trưởng khó khăn thì đề nghị giúp đỡ từ Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng. Việc này nhiều năm qua, chưa làm tốt. Không có cái này thì sẽ không có tất cả những cái khác.
Việc thứ hai là xây dựng tổ chức, bộ máy, công cụ, qui trình, con người để thực thi nhiệm vụ. Đây là việc thiết kế tổ chức. Cũng là việc của người đứng đầu. Việc này trong nhiều trường hợp là khó hơn việc thứ nhất, vì đa số cán bộ của ta không có kiến thức, kỹ năng về thiết kế tổ chức. Việc này mà viện trưởng khó khăn thì hoàn toàn có thể nêu lên với các Vụ chức năng, với Lãnh đạo Bộ để cùng xử lý. Chúng ta cũng đã không làm, hoặc không làm tốt việc này. Viện đang là một tổ chức chưa được tổ chức tốt. Thiếu sự kết dính, thực thi và kết thúc công việc chưa tốt. Nhiều việc cụ thể mà Bộ giao xuống Viện đã chưa ra kết quả cuối cùng. Đây cũng là lỗi của Thứ trưởng phụ trách, của Bộ trưởng, đã không sâu sát, quan tâm, hỗ trợ. Cứ để vậy nhiều năm nay. Cũng còn may là tổ chức này chưa vỡ vụn ra và gây ra tai hoạ, tai nạn.
Anh Lưu Vũ Hải được điều về đây là để làm cho Viện thành một tổ chức có tổ chức tốt. Anh Hải đã có nhiều kinh nghiệm dựng lên một tổ chức và vận hành một tổ chức lớn. Sẽ không quá khó với anh Hải, và có thể làm nhanh trong Quý I/2023. Anh Hải thiết kế lại tổ chức của Viện và báo cáo Lãnh đạo Bộ trong tháng 2 này.
Một tổ chức mà yếu kém thì dễ bị yếu kém thêm. Cũng không biết từ bao giờ, mọi người có thói quen là cán bộ yếu kém ở các đơn vị mạnh thì đưa về các đơn vị yếu. Vậy là đã yếu lại yếu hơn. Vụ Tổ chức cán bộ phải làm ngược lại, đưa người mạnh về nơi yếu để vực tổ chức đó dậy. Một tổ chức mạnh thì có thêm 1-2 người yếu sẽ không sao. Người yếu vào một tổ chức mạnh thì sẽ tốt lên. Người đã yếu vào một tổ chức yếu thì yếu đi và góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề của tổ chức đó. Vậy việc bây giờ là, chuyển một số cán bộ không phù hợp sang đơn vị khác, vị trí khác và điều về đây một số cán bộ tốt.
Một tổ chức rất hay gặp mâu thuẫn quả trứng và con gà. Muốn có trứng thì phải có gà. Muốn có gà thì lại phải có trứng ấp thành gà. Muốn có người tốt thì phải có thu nhập cao. Nhưng muốn trả được thu nhập cao thì tổ chức đó, con người ở đó phải xuất sắc, sản phẩm của tổ chức đó phải xuất sắc. Cái trung bình bây giờ thì ai cũng làm được, ai cũng có, trên Internet bây giờ còn có cái trên cả trung bình mà miễn phí. Vậy nên, cái trung bình sẽ không mang lại thu nhập cao được. Viện muốn có thu nhập cao thì phải có tri thức xuất sắc. Tri thức xuất sắc phải có trước. Với những người hiện tại thì có làm được không? Sẽ làm được nếu chọn đúng việc và có cách tiếp cận độc đáo. Cả 2 cái này thì Lãnh đạo Bộ có thể giúp.
Nhiều tri thức xuất sắc đang nằm ở Bộ, hoặc trong đầu của một số người tại Bộ. Nhưng chưa có ai mang nó đi đến các địa phương để biến nó thành giá trị cả. Tại sao Viện không làm việc này? Tri thức xuất sắc + tư vấn + doanh nghiệp. Vậy việc của Viện sẽ là tổng hợp lại các tri thức xuất sắc về chuyển đổi số của Bộ, đi địa phương, đi các tổ chức để tư vấn cái phù hợp rồi gọi tên đúng doanh nghiệp triển khai, tập trung vào giải các nỗi đau của địa phương. Thí dụ như, các tỉnh vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên tiếng Anh. Trong các tư vấn này, Viện cần phải làm thêm một việc là tính toán để giá trị tạo ra lớn hơn chi phí bỏ ra thì mới tư vấn làm và biết giá của doanh nghiệp để doanh nghiệp không đẩy giá lên cao, gây ra tai nạn cho các địa phương. Mục tiêu cuối cùng không phải tạo ra được tri thức xuất sắc, mà là đưa được cái xuất sắc đến được người cuối cùng cần nó để tạo ra giá trị. Và để làm được việc này, không nhất thiết phải là người tạo ra tri thức xuất sắc, là cái mà Viện lúc này chưa làm được. Biết ai giỏi nhất cái gì và mang nó đến đúng người cần để tạo ra giá trị thì đó là người giỏi nhất. Là người giỏi nhất mà lại không cần là người giỏi nhất. Lấy thí dụ này để nói rằng, chỉ bằng một cách tiếp cận khác đi thì điểm yếu của mình lại thành điểm mạnh, việc khó lại thành dễ. Nghĩ ngược lại và làm khác đi, lúc này là rất cần thiết cho Viện.
Về cái cũ và cái mới. Cái cũ thì nhiều người làm, dễ va nhau, tranh nhau. Đây là biển “đỏ”, kẻ mạnh thì thắng nhưng cũng đổ máu, kẻ yếu gần như không có cơ hội gì và nếu tiếp tục thì sẽ chết. Viện sẽ không có chỗ ở đây. CNPM và NDS là cái của thời CNTT, của 20-30 năm về trước, có thể chuyển nghiên cứu này về Viện Chiến lược TT&TT.
Theo thông lệ, nhiều người nghĩ cái mới thì khó. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cái mới dễ ở chỗ ít cạnh tranh, nó giống như “biển xanh”. Cái mới dễ ở chỗ, dễ làm cho mình trở thành quan trọng. Cái mới dễ ở chỗ, giá trị tạo ra cao hơn và vì thế trả được lương cao, tuyển được người giỏi. Cái mới dễ ở chỗ, những người giỏi thì thường ham mê cái mới, muốn làm cái mới và vì thế mà họ sẽ về nơi có cái mới, được làm là thích rồi, chưa cần đến lương cao. Cái mới dễ ở chỗ, điểm xuất phát là như nhau, không như cái cũ có người đã đi trước chúng ta cả chục năm, có khi tới vài chục năm, vượt lên họ là rất khó. Cái mới dễ ở chỗ, Viện sẽ buộc phải dùng người ngoài nhiều hơn và vì thế mà bộ máy của viện sẽ gọn nhẹ, thích ứng nhanh. Cái mới dễ ở chỗ, vì mới nên không biết và vì không biết mà tính học hỏi sẽ cao hơn, mà sức mạnh lớn nhất của một tổ chức bây giờ là tính học hỏi. Cũng vì không biết, không có mà chúng ta sẽ phải đi ra ngoài, đi ra thế giới để tìm, để biết ai tốt nhất cái gì rồi mang về. Người giỏi nhất bây giờ là người biết ai giỏi nhất cái gì. Viện sẽ có chỗ đứng tốt nếu làm cái mới. Cái mới bây giờ là công nghệ số, chuyển đổi số. Viện hãy chuyển hẳn sang cái mới.
Nghiên cứu về cái mới, nghiên cứu về công nghệ số và chuyển đổi số để giúp định hình con đường chuyển đổi số Việt Nam, để tư vấn cho các bộ ngành và địa phương về chuyển đổi số. Vậy là Viện CNPM và NDS sẽ sang một trang mới trong sự phát triển của mình.
Chúc Viện vì có sứ mệnh mới mà có được năng lượng mới để phát triển bứt phá!
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông