Cách đây 20 năm, Công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một lĩnh vực, Bộ Bưu chính Viễn thông được thành lập và thực hiện quản lý nhà nước thống nhất về CNTT, Hiệp hội Phần mềm Việt Nam Vinasa ra đời trong bối cảnh này.
20 năm trước đây, chủ tịch đầu tiên của Vinasa là anh Trương Gia Bình mới 46 tuổi, còn rất trẻ. Anh Bình đại diện cho một thế hệ với khát vọng cháy bỏng là làm phần mềm, làm công nghệ, giầu lên vì công nghệ, và thông qua công nghệ mà hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc. Ngay từ thủa ban đầu ấy, những con người này đã có tầm nhìn đưa công nghệ thông tin thấm vào từng hạt lúa, củ khoai của người nông dân để nâng cao giá trị, thấm vào từng cơ quan, tổ chức để nâng cao năng suất, hiệu quả, và xuất khẩu ra thế giới.
Năm 2002, cường quốc công nghiệp phần mềm Ấn Độ có doanh thu phần mềm và dịch vụ CNTT gấp 200 lần Việt Nam thì sau 20 năm, khoảng cách ấy đã giảm hơn 10 lần.
Việt Nam chúng ta có thể tự hào đã dựng lên một ngành công nghiệp phần mềm có thứ hạng quốc tế cao, nằm trong top 10.
Một cuộc cách mạng công nghiệp mới luôn là một cú huých lớn cho phát triển. Tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn rất nhiều. 10 năm có thể bằng mấy chục năm. 10 năm là kết thúc một giai đoạn và bắt đầu một khởi tạo mới. Khởi tạo mới là mở ra không gian mới. Khởi tạo mới là công nghệ mới tạo ra cách tiếp cận mới, cách làm mới. Khởi tạo mới còn là sứ mệnh và tầm nhìn mới.
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam bước vào thập niên thứ ba, vậy khởi tạo mới của chúng ta là gì?
Mỗi thế hệ đều phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Không kế thừa quá khứ là không giữ cái gốc của mình, không giữ cái gốc, cái nền nhà mình thì khó mà đi xa, có đi xa thì lại không bền, không vững. Nhưng giữ cái gốc mà không mở ra tương lai mới thì tức là thế hệ mới không có đóng góp của mình, không kế được câu chuyện của mình, tức là dừng lại.
10 năm tới, hiệp hội Vinasa, chủ tịch Nguyễn Văn Khoa phải kể được câu chuyện của mình, câu chuyện ấy phải hay hơn câu chuyện mà thế hệ anh Trương Gia Bình đã kể.
20 năm trước đây là thời của CNTT, của phần mềm, của ứng dụng CNTT. Bây giờ là công nghệ số, là chuyển đổi số.
Trước đây, CNTT là công cụ hỗ trợ. Nay, công nghệ số là công cụ sản xuất chính. Các doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân thay vì ứng dụng CNTT thì trở thành doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân công nghệ số. Công nghệ số được tích hợp vào mọi lĩnh vực, mọi ngành. Công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng.
Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Quốc gia về công nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp của Hiệp hội Vinasa, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT sẽ có một ngọn cờ dẫn dắt.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang Make in Viet Nam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. Vinasa cần bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.
Ba đặc trưng cơ bản của thời đại chúng ta đang sống là: Thứ nhất, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; Thứ hai, nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản; Thứ ba, đổi mới trở thành động lực cơ bản. Chúng ta chú ý ở chữ “cơ bản”.
Trước đây, chúng ta đã từng nói khoa học, công nghệ là lực lượng sản xuất, thì nay là lực lượng sản xuất cơ bản.
Trước đây, chúng ta nói nhân lực là nguồn lực, nay chúng ta nhấn mạnh tài năng, nhân tài là nguồn lực cơ bản.
Trước đây, chúng ta nói đổi mới sáng tạo là động lực của phát triển, thì nay là động lực cơ bản của phát triển.
Cả 3 yếu tố: Công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo, thì đối với lĩnh vực CNTT, công nghệ số lại càng có ý nghĩa quyết định. 3 yếu tố ấy mà vận vào lĩnh vực của chúng ta thì là: Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số.
Một doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải có lợi nhuận, nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ sau lợi nhuận lại vẫn là lợi nhuận? Lợi nhuận là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết được một vấn đề, một bài toán lớn hơn của xã hội, của đất nước, của nhân loại, nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phát triển và hạnh phúc hơn, nhân loại văn minh hơn.
Hiệp hội Vinasa hãy nhận lấy một sứ mệnh quốc gia. Một sứ mệnh lớn hơn sẽ quy tụ nhiều hội viên hơn, đoàn kết hơn, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp của hiệp hội đi xa hơn, cao hơn. Sứ mệnh ấy như ngôi sao dẫn lối, dù trong bối cảnh nào cũng sẽ không bị lạc lối. Chúng ta sẽ chỉ có thể trường tồn khi gắn mình với quốc gia. Sứ mệnh hưng thịnh quốc gia, sánh vai cường quốc năm châu đã được những người sáng lập Hiệp hội đề xướng. Sứ mệnh ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng bây giờ, có một mục tiêu cụ thể hơn, đó là các doanh nghiệp của Hiệp hội phải có đóng góp cơ bản để thực hiện thành công chuyển đổi số Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông