
1. Đức Phật, nữ chúa và điệp viên - Hồ Anh Thái
Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên là cuốn tiểu thuyết nối dài niềm đam mê Ấn Độ của Hồ Anh Thái. Mảnh đất huyền bí với nhiều vỉa tầng văn hóa cổ luôn bám riết nhà văn, làm nên một vùng thẩm mỹ, một mảng đề tài, một series truyện về xứ thiêng Ấn Độ, tiếp sau cuốn tiểu thuyết đầy ma lực hấp dẫn Đức Phật, nàng Savitri và tôi.Từ câu chuyện lịch sử, dòng đời, khuôn diện cuộc sống cứ tươi ròng qua lối viết vừa ẩn vừa lộ đậm chất tiểu thuyết. Thiện ác, nhân quả, trung đạo, tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, không chỉ là lý thuyết siêu hình mà đậm nhạt qua một cõi nhân sinh nhiều dục vọng, chênh vênh giữa buông bỏ và níu giữ hận thù.
Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 1.Link mua sách Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên với ưu đãi giảm 20% từ nhà sách!
2. Vạn sắc hư vô - Nguyễn Khắc Ngân Vi
Vạn sắc hư vô là câu chuyện của những con người cô đơn khát khao sự cứu rỗi. Mạnh mẽ nhưng lại thiếu dũng khí chọn lựa, họ lấy thất bại làm trò tiêu khiển, lấy sự sụp đổ lý tưởng làm nguyên cớ cho việc trở nên yếm thế trong thế giới bình thường.Với cách viết lạnh lùng, ngôn ngữ sắc sảo, tư duy táo bạo, Nguyễn Khắc Ngân Vi đặt nhân vật của mình vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bị gông cùm vật chất thống trị và dục vọng chế ngự, cuộc sống cá nhân bị bào mòn bởi sự nhàm chán của thực tại. Khi đoạn tuyệt tình yêu, chối bỏ tồn tại, đánh mất lý tưởng, nguội lạnh đam mê, cuối cùng người ta chỉ có thể lang thang vĩnh viễn trong tuyệt vọng.
Nhà xuất bản Hội nhà văn & Tao Đàn phát hành tháng 8.
3. Bà Đỡ - Đào Tuấn Ảnh
Một cuốn tiểu thuyết tự truyện trong trẻo của dịch giả Đào Tuấn Ảnh đậm chất thơ và nữ tính. Những người phụ nữ nặng gánh gia đình và họ mạc đã hiện lên một cách khắc khoải đầy yêu thương dưới ngòi bút của tác giả.Bà Đỡ đơn giản là người làm nghề đỡ đẻ của cả vùng. Bà có tên, nhưng chẳng ai nhớ, người ta lấy tên nghề làm thành tên gọi: lúc trẻ là cô Đỡ, về già thành bà cụ Đỡ. Bằng nghề đỡ đẻ và những công việc ở làng quê, bà Đỡ đã một tay nuôi nấng, dạy dỗ, cưu mang cả một bầy cháu mồ côi lít nhít với một tình thương yêu và nghị lực phi thường.
Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 9.
4. Bửu sơn kỳ hương - Lý Lan
Lý Lan là một tác giả đã quen thuộc từ lâu với độc giả, năm nay chị ra tác phẩm mới, một tác phẩm mới cả về bút pháp lẫn câu chuyện.Với thủ pháp giàu chất điện ảnh, cùng lối kể chuyện độc đáo, Lý Lan đã tái hiện sống động một quá khứ lịch sử đầy biến động của xứ Lục châu. Câu chuyện xoay quanh gia tộc người Hoa làm nghề thuốc dưới biển hiệu Phước Xuân Đường, thịnh suy đi cùng biến động của lịch sử Nam Kỳ.
Với lối dẫn chuyện khéo léo, các mạch truyện đan cài một cách có chủ đích, làm người đọc như được sống cùng thế giới của câu chuyện, thấy các nhân vật lịch sử như Trương Vĩnh Ký hay Tôn Thọ Tường, Phan Thanh Giản như vừa bước ra khỏi trang sách kể cho nghe câu chuyện thuở hàn vi.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 3.
5. Bảy bảy bốn chín - Hoàng Công Danh
Đây là tác phẩm sách văn học dự thi Giải thưởng văn học tuổi 20, nhưng có lối viết già dặn và thấm đẫm triết lý Phật giáo. Người vợ đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Vụ tai nạn dường như do người vợ cố tình tự tử. Trong bốn mươi chín ngày mà tương truyền theo quan niệm nhà Phật, vong hồn được phán xét để đầu thai. Bảy tuần lễ thất, cũng là bảy tuần để người chồng nhìn lại cuộc hôn nhân với người vợ đã mất. Bảy tuần cho bảy năm họ chung sống bên nhau.Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 1.
6. Yêu nhau trong lo âu - Nguyễn Đông Thức
Yêu nhau trong lo âu lấy cảm hứng từ một câu trong bài hát Dạ khúc cho tình nhân. Hơn 40 năm viết về tình yêu nhưng nhà văn Nguyễn Đông Thức vẫn tiếp tục cày xới tỉ mẩn trên mảng đề tài quen thuộc này.Lấy bối cảnh và nhân vật liên quan đến giới điện ảnh phức tạp nhiều thị phi. Phía sau hào quang là góc tối mà ở đó, giữa khát vọng vươn tới thành công, người ta phải đứng trước nhiều lựa chọn trong tình yêu.
Bên cạnh câu chuyện tình trắc trở, Nguyễn Đông Thức còn đem đến cho người đọc một cuốn sách hay khai thác góc nhìn thú vị về giới làm phim, quan hệ giữa nhà làm phim, hậu trường liên hoan phim, hoặc quan hệ nhằng nhịt giữa diễn viên và nhà sản xuất...
Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 12.
7. Người bay trong gió xanh - Phạm Duy Nghĩa
Khác với 6 cuốn tiểu thuyết kể trên, để kết lại danh sách xin giới thiệu một tập truyện ngắn nặng ký trong năm nay: Người bay trong gió xanh. Cuốn sách với 12 truyện,các truyện viết rất đều tay, chỉn chu và tinh tế; một tuyển truyện ngắn kỳ công của nhà văn quân đội Phạm Duy Nghĩa."Người bay trong gió xanh" là cuốn sách hay tiêu biểu cho văn chương, phong cách và tư tưởng của Phạm Duy Nghĩa ở hiện tại, một Phạm Duy Nghĩa khác với thời kỳ ra mắt Cơn mưa hoa mận trắng.
Nhà văn Hồ Anh Thái đã nhận xét: Truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa hấp dẫn. Đây là một trong những phẩm chất thiết yếu của văn chương nghệ thuật. Cái hấp dẫn trong truyện của Phạm Duy Nghĩa trước hết ở tính ly kỳ của những tình huống lạ. Một cơn gió màu xanh lam bỗng nhiên tràn đến ngôi làng trong thung lũng, mang đến cho người dân bệnh trong sáng và bệnh yêu đời. Một chú bé bỗng nhiên biết bay gây ra bao thăng trầm, nóng lạnh trong cách ứng xử của cộng đồng. Một người đàn ông tỉnh dậy thấy sương mù ngập tràn thành phố và toàn bộ cư dân trong thành đã biến mất, không biết đi đâu...
Nhà xuất bản Hội nhà văn & Tao Đàn phát hành tháng 9.