Quách Tấn có một sự nghiệp văn chương đa thể loại với những sáng tác thơ Đường luật, thi thoại, du ký địa phương, hồi kí, dịch thuật. Nhà thơ Quách Tấn đến với dịch thuật bằng niềm yêu thích đặc biệt. So với những dịch giả hồi đầu thế kỉ XX, có thể thấy trường hợp Quách Tấn gần giống với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục là những người đều xem dịch thuật là đam mê lớn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Nói đến Quách Tấn (1910-1992), người ta biết đến ông là một thành viên của nhóm “Bàn thành tứ hữu” gồm những tên tuổi đất Bình Định nổi danh trên văn đàn với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê và Quách Tấn. Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Quách Tấn để lại một di sản tác phẩm khá đa dạng cả về thơ lẫn văn.
Từ trái qua: Nhất Yến (nhà thơ Yến Lan), nhì Hàn (nhà thơ Hàn Mặc Tử), tam Lan (nhà thơ Chế Lan Viên), tứ Quách (nhà thơ Quách Tấn) được gọi là Bàn thành tứ hữu. Ảnh tư liệu.
Quách Tấn đã lần lượt phỏng dịch: Trăng ma lầu Việt (1947), Thơ Thái Thuận (1947), Nghìn lẻ một đêm(1960), Thơ Nguyễn Du (1966), Thơ Hồ Chí Minh (1969),... Những tác phẩm dịch đều được nhà thơ dịch trong nhiều năm liền. Năm 1960, tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh lần đầu được nhà xuất bản Văn học ấn hành. Đến năm 1969, Quách Tấn đọc bản dịch thơ Hồ Chí Minh từ người em trai Quách Tạo gởi từ miền Bắc vào. Bản dịch của các dịch giả khi ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ, Quách Tấn âm thầm dịch lại tập Nhật kí trong tù trong nhiều năm. Sau khi dịch, ông đã nhờ Trần Thúc Lâm viết chữ Hán và hoàn tất vào tháng 10 năm 1975.
Năm 1978, Viện Sử học cử một đoàn cán bộ đi khảo sát một số vấn đề lịch sử và văn hóa tại các tỉnh miền Trung vừa được giải phóng. Đoàn công tác gồm nhà sử học Dương Trung Quốc và một số cán bộ văn hóa đã đến nhà Quách Tấn nhằm thu thập tài liệu lịch sử về vùng đất miền Trung. Nhà thơ đã tặng cho Viện sử học Việt Nam không ít sách quý mà cả đời ông đã sưu tầm được. Nhân dịp ấy, Quách Tấn giới thiệu với Dương Trung Quốc bản dịch thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Nhưng mãi đến năm 2015, nhiều năm sau khi nhà thơ Quách Tấn mất, tập thơ dịch Ngục trung nhật kí mới đến được với bạn đọc vì sinh thời Quách Tấn dịch Nhật kí trong tù bởi lòng yêu thích và không có ý khoe khoang với bất kì ai. Nhà thơ từng chia sẻ: “Tôi cảm cụ Hồ là một nhà thơ nên tôi đọc kỹ phần dịch ra quốc ngữ do các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Vả lại, với cái thú của người thích dịch thơ Đường nên tôi cất công ngồi dịch lại”.
Dịch thơ Đường là một trong những công việc quen thuộc của các nhà nho xưa, mỗi người theo trường phái và nguyên tắc dịch khác nhau, ví dụ nguyên tắc “Tín, đạt, nhã”, “Ngũ thất bản”, “Tam bất dị”… nhưng đều thống nhất ở một số điểm chung: các dich giả đều xem văn học dịch là một loại dịch thuật đặc biệt ở đó người viết vừa đảm bảo tính nghệ thuật của văn bản lẫn kĩ thuật dịch. Đây là một yêu cầu khó khăn đối với người làm công tác dịch thuật bởi dịch thuật Hán Nôm được nhận thức như là “một khoa học, một nghệ thuật”, ở đó dịch giả có thể dịch đúng hoặc dịch sáng tạo. Ở trường hợp bản dịch Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh, có thể thấy Quách Tấn chọn lối dịch ý, kĩ thuật dịch theo lối dịch tự do nghiêng về phía bản dịch và tuân theo chủ ý của dịch giả.
Quách Tấn đã dịch 115 bài của Nhật kí trong tù trong đó: 58 bài dịch theo thể lục bát, 37 bài dịch theo tứ tuyệt, 4 bài dịch theo thể ngũ ngôn và 2 bài dịch theo thể tự do. Cuối năm 2000, Trung tâm nghiên cứu Quốc học đã đưa 73 bài thơ dịch của Quách Tấn vào tập Hồ Chí Minh – Thơ toàn tập. Khi dịch Nhật kí trong tù, Quách Tấn đã đảm bảo tính nhật kí của tập thơ bởi những ghi chép về những điều tai nghe mắt thấy của người chiến sĩ cách mạng trên đường đi đày và bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Yếu tố tự sự, tinh thần hướng nội của người tù được nhà thơ thể hiện khá rõ nét qua nhiều bản dịch. Nhưng đặc sắc nhất trong những bản dịch mà Quách Tấn dịch thơ Hồ Chí Minh phải kể đến mảng thơ nghệ thuật, phần thơ thể hiện rõ nhất tiếng nói tâm hồn của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh.
Sau đây, Book365 xin giới thiệu một số bản dịch thơ Hồ Chí Minh của Quách Tấn:
1. Bài "Nạn hữu chi thê thám giam" (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng).
Bản dịch của Quách Tấn khá sát với nguyên tác, đảm bảo chất thơ và tinh thần của bài thơ.
Bản dịch của Quách Tấn Chàng đứng trong song sắt Thiếp đứng mé ngoài sông Gần nhau trong tấc gang Cách nhau nghìn núi sông Khôn buông lời khỏi miệng Đành lấy mắt trao lòng Chưa nói đã tuôn lệ Cảnh tình, ôi đáng thương |
Bản dịch của Nam Trân Anh ở trong song sắt Em ở ngoài sông sắt Gần nhau chỉ tấc gang Mà cách nhau trời vực Miệng nói chẳng nên lời Chỉ còn nhớ khóe mắt Chưa nói, lệ tuôn trào Tình cảm đáng thương thật. |
Hai câu thơ cuối trong nguyên tác là:
Thiên lý quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thướng nhất tầng lâu
(Người khuê phụ bước lên thêm một tầng lầu Bản dịch Quách Tấn gần với nguyên tác và làm cho không gian thơ mở ra cùng nỗi nhớ quê hương của người tù. Bản dịch đã giữ lại từ khóa của bài thơ “tư hương khúc” nghĩa là khúc nhạc nhớ quê hương khiến âm vang của bài thơ da diết, giàu sắc gợi cảm.
2. Bài "Nạn hữu xuy địch" (Người bạn tù thổi sáo)
Bài thơ này có bốn bản dịch trong đó bản dịch in trong năm 1960 của Nam Trân đã được chọn lọc qua thời gian.
Bản dịch của Quách Tấn Bạn tù thổi sáo Bỗng nghe tiếng sáo thê lương, Trong tù thổi khúc tư hương não nùng. Quan san mắt nghẹn muôn trùng, Nhớ thương giục bước lầu hồng lên cao. |
Bản dịch của Nam Trân Người bạn tù thổi sáo Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi, Lên lầu ai đó ngóng trông nhau. |
So với nguyên tác, bản dịch của Quách Tấn đã chuyển từ thơ tứ tuyệt sang thơ lục bát, nhịp thơ từ 4/3 chuyển sang 2/4, 2/4/2/3 , dịch sát ý đặc biệt ở hai câu cuối.
3. Bài Nạn hữu đích chỉ bị (Chăn giấy của người bạn)
Bài này có ba bản dịch thơ đều dịch sang thơ tứ tuyệt, riêng có Quách Tấn dịch sang thơ lục bát, vừa đảm bảo vần điệu lẫn ý tứ bài thơ:
Bản dịch Quách Tấn Sách xưa sách mới bồi chồng Dù mền giấy vẫn hơn không có mền Biết chăng màn gấm ấm êm Bao nhiêu kẻ thức suốt đêm trong tù |
Bản dịch Nam Trân- Băng Thanh Sách xưa sách mới bồi thêm ấm Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn Trướng gấm giường ngà ai có biết Trong tù bao kẻ ngủ không an |
4. Bài Thụy bất trước (Không ngủ được)
Nguyên tác
Nhất canh nhị canh hưu tam canh
Triển chuyển, bồi hồi thụy bất thành
Tứ ngũ canh thời tài hợp nhẫn
Mộng hồn hoàn nhiều ngũ tiêm tinh
Bài thơ này có nhiều bản dịch, thành công nhất là bản dịch của Viện văn học năm 1960, khi dịch lại bài thơ này, Quách Tấn cố gắng bám sát nguyên tác tuy nhiên âm điệu chưa thật hay:
Bồi hồi trở lại trăn qua
Giấc nương canh một canh ba chẳng thành
Mắt vừa chợp lúc tàn canh
Sao vàng năm cánh quẩn quanh mộng hồn.
Bài Bệnh trọng (Bệnh nặng)
Nguyên tác:
Ngoại cảm Hoa thiên tân lãnh nhiệt
Nội thương Việt địa cựu sơn hà
Ngục trung hại bệnh chân tân khổ
Bản ưng thống khốc khước cuồng ca.
Bản dịch Nam Trân “Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than Ở tù mắc bệnh càng cay đắng, Đáng khóc mà ta cứ hát tràn |
Bản dịch Quách Tấn Cảm ngoài mưa nắng trời Hoa Thương trong đất Việt nước nhà lầm than Bệnh trong lao, khổ muôn vàn Khóc tuy đáng khóc vẫn tràn tiếng ca |
Hai câu đầu trong bản dịch của Quách Tấn có thể xem là hay nhất vì dịch sát văn bản, thay từ Hán Việt bằng cụm từ thuần – Việt thể hiện mối tương quan giữa ngoại cảnh tâm cảnh trong văn bản thơ.
Bài Vãn Cảnh (Cảnh chiều hôm) cũng là một bài dịch hay, sát nguyên tác, giữ được chất thơ nhưng không lặp lại về từ ngữ.
Nguyên tác Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình Hoa hương thấu nhập lung môn lý Hướng tại lung nhân tố bất tình |
Bản dịch Quách Tấn Mai khôi hé cánh rụng cành Hoa tàn, hoa nở vô tình cả hai Cửa lao lọt chút hương trời Bất bình đưa kể với người trong lao. |
5. Bài: Tân xuất ngục học đăng sơn
Nguyên tác Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân Giang tâm như kính tĩnh vô trần Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh Dao vọng Nam thiên ức cố nhân. |
Bản dịch Quách Tấn Mây lồng núi núi lồng mây Lòng sông không bụi trong tày gương trong Bồi hồi lên đỉnh Tây Phong Trời Nam ngắm vọi chạnh lòng cố tri. |
Đặc biệt với ấn bản này, bạn đọc sẽ được “chiêm ngưỡng” những bài thơ của Bác với phần chép tay chữ Hán của nhà thư pháp Trần Thúc Lâm, một người bạn văn chương của Quách Tấn và phần chép tay chữ quốc ngữ rất đẹp của chính nhà thơ.
Trung tâm Sách quốc gia, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và sàn sách trực tuyến quốc gia book365 sẽ tổ chức Tọa đàm ra mắt sách “Nhật ký trong tù” vào 9h ngày 18/5 tại Trung tâm Sách quốc gia (24 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), với sự tham gia của 3 vị diễn giả: Nhà sử học Dương Trung Quốc; nhà nghiên cứu Hán học, PGS.TS. Lê Văn Toan và nhà văn Quách Giao, con trai của nhà thơ Quách Tấn.
Thời gian diễn ra: 09h00 - 11h00 ngày 18/5/2023 (sáng thứ năm tuần này).Địa điểm: Trung tâm Sách quốc gia, số 24 Quang Trung, Q.Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội.
Link đăng ký tham dự (hiện chỉ còn 50 chỗ trống): https://forms.gle/nLE6vbEdVLbKN9EE8
Hotline hỗ trợ: 0901.233.623
Quý bạn đọc quan tâm có thể mua sách tại link: https://book365.vn/sach/1229021_nhat-ky-trong-tu-(quach-tan.html