Trong hàng triệu lá thư của những người lính gửi đi từ chiến trường, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã lựa chọn 200 lá thư tiêu biểu để đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Sách vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành vào tháng 4/2023.
“Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…”.
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến ở Việt Nam” càng có giá trị và ý nghĩa to lớn khi được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lời giới thiệu.
“Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người. Đó là chưa kể những ngày ăn bữa cháo, bữa cơm hoặc là bụng rỗng không, cán bộ chiến sĩ nhìn nhau hẹn một ngày mai no đủ. Gian khổ lần này mới thật là gian khổ. Trong đời lính có lẽ chưa lần nào thấm thía bằng lần này. Có thế mới đuổi kịp được giặc, mới diệt được hết chúng nó. Và có thế anh mới có phút ngồi đây, được phép nghĩ đến em giây lát mà lương tâm không nghẹn ngùng, hổ thẹn…”.
(Đây là những dòng thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt, viết cho vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ. Lá thư này đã được đưa vào cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.)
(Gửi cho Phạm Thị Như Anh)
18/9/1971
T (tức Thạc, Nguyễn Văn Thạc – ĐVH) đang ngồi thảo luận, viết tranh thủ một lát cho P (tức Phạm Thị Như Anh – ĐVH). Bây giờ thời gian viết không có nữa, bận không chịu được và không phải lúc nào cũng tiện giấy bút. Hãy thông cảm điều đó cho T.
P. ơi! Chúng ta đã xa nhau, xa nhau thật sự về không gian và cả thời gian nữa. Chỉ ba năm thôi cũng đã dài, nữa là cả khoảng thời gian dằng dặc mà ta đã trải qua.
P. xem những dòng T viết rời rạc từ khi vào bộ đội, P. có buồn và chán không? Đừng buồn P. nhé, đừng buồn mà phải vui, vui như T. đang vui thế này.
T. nhớ, trong là thư sau 20/06, P. viết “Gió, gió ơi, đừng thổi nữa, đừng nhắc những kỷ niệm làm gì nữa. Người ta không nên sống bằng kỷ niệm…”
P. có trách T. đã giở những ngày qua, giở những kỷ niệm của chúng ta không? Thực ra, không phải T. “hoài cổ”. T. rất muốn những ngày đẹp đó quay lại, nhưng những ngày như hôm nay lại đẹp hơn nhiều, đẹp lắm!
P. nhỉ, P. có đồng ý thế không?
Khi tình cảm của con người thật sự chân thành và trong sáng, tình cảm đó hết sức sâu sắc và có sức rung động lòng người. Tình cảm của chúng ta là như thế đó. P. ơi! Ai cho P. những rung động đó mà trái tim P. kỳ lạ vậy, mà tâm hồn P kỳ diệu thế?
Những ngày qua sống mãi và vĩnh viễn tươi mới như buổi ban đầu ta gặp nhau, như buổi ban đầu ta rụt rè, e ngại… T. nhớ về dĩ vãng với tất cả lòng trân trọng tình cảm của P., trân trọng những gì trong sáng nhất, nên thơ nhất, nên nhạc nhất của tâm hồn T., của trái tim P."
(Thạc của N.Anh)
Những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, giữa sự khốc liệt của mư bom lửa đạn, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh nơi chiến trường, ở đó, vẫn sáng ngời niềm tin của những người lính Cụ Hồ với ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời không gì có thể khất phục. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng rất đỗi cao đẹp: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"
Cùng với những lá thư trên, hàng trăm lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư người lính trong khói lửa chiến tranh của hai cuộc kháng chiến, mà tác giả Đặng Vương Hưng giới thiệu tới bạn đọc thông qua cuốn sách "Những lá thư thời chiến Việt Nam"
(Lời nhà xuất bản)
Bối cảnh ra đời cuốn sách và đôi nét về Tác giả - Đại tá Đặng Vương Hưng
Nhập ngũ năm 1976, Tác giả Đặng Vương Hưng thuộc thế hệ những người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 do vậy ông thấu hiểu sự khốc liệt khi thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược từ hai bên. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thực chất đã kéo dài 10 năm gây ra biết bao đau thương mất mát.
Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ rằng, ông bắt đầu sưu tầm các lá thư thời chiến từ năm 2004. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những lá thư, những trang nhật ký viết tay đã trở thành “người bạn tri kỷ” của mỗi người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...
Có thể nói, những bức thư thời chiến là các kỷ vật lịch sử vô giá lưu giữ những ký ức của các chàng trai, cô gái đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Những bức thư ấy đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực và lý tưởng sống cao cả để “truyền lửa” cho thế hệ hôm nay không ngừng cống hiến cho đất nước...
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam, của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, giải phóng đất nước. Cuốn sách thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các thế hệ cha anh đã vì mảnh đất Việt Nam linh thiêng mà hy sinh.
Trân trọng giới thiệu cùng Quý bạn đọc!
---
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia Sự Thật dành tặng ưu đãi duy nhất giảm 30% giá bìa trong 5 ngày. Sách có chữ ký tác giả. Hiện chỉ còn 200 cuốn, mời bạn đăng ký mua tại: https://forms.gle/CWHpEqnp4gQjmvGRA
* Với bạn đọc đã có tài khoản trên trang Book365.vn có thể mua trực tiếp tại link: https://book365.vn/sach/1228466_nhung-la-thu-thoi-chien.html
* Hotline hỗ trợ đặt sách: 0901.233.623
Các tờ báo đưa tin giới thiệu về cuốn sách:
https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/gioi-thieu-cuon-sach-nhung-la-thu-thoi-chien-o-viet-nam-725089
https://nhandan.vn/ra-mat-cuon-sach-nhung-la-thu-thoi-chien-viet-nam-post747956.html